(Dân trí) – Cụ Nguyễn Văn Ninh, 85 tuổi, than thở: “Tự dưng mấy năm trời không thấy ai đến thu tiền điện, cũng không có ai đến kiểm tra công tơ điện. Cuộc sống hai vợ chồng già đã khó khăn, thêm cái khoản nợ “điện đóm” này lại càng khổ,”
Cụ Nguyễn Văn Ninh, 85 tuổi, đang chỉ tay vào cột điện than thở
Ninh Tây là xã miền núi nghèo nhất của huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Nơi đây, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm quá nửa, hầu hết bà con sống dựa vào nương rẫy nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Đã thế, từ năm 2005 đến nay, lại phải “gồng mình” để nộp khoản nợ tiền điện do trót lỡ dùng “chùa” trước đó.
Năm 1998, theo chủ trương phủ điện nông thôn của tỉnh, xã Ninh Tây đã được kéo điện lưới. Ban đầu, chính quyền xã cũng lập ra một ban điện để thu tiền điện, nhưng đến năm 2002 thì người dân không hiểu sao đến ngày nộp tiền điện phí hàng tháng lại không thấy ai đi thu nữa.
Mãi đến năm 2005, tỉnh Khánh Hoà thực hiện việc bàn giao lưới điện nông thôn về cho ngành điện, khi điện lực huyện Ninh Hòa trực tiếp khai thác, quản lý mạng lưới điện mới phát hiện ra người dân xã Ninh Tây đã dùng điện “chùa” trong suốt 3 năm qua. Và từ đó, người dân phải lo trả “cục nợ” do đã “lỡ” dùng “chùa” trước đó.
Chị Lan, một người dân bức xúc nói: “Mình dùng điện thì đương nhiên mình phải trả tiền, nhưng nếu hàng tháng người ta đi thu thì bà con mình dù có “kẹt” thì vẫn xoay sở được. Đằng này, dồn lại cả mấy năm không thu, giờ lại đi thu. Như thế có gây khó cho dân không?”.
UBND xã Ninh Tây đã huy động công an, dân quân, đại diện chính quyền… vào cuộc. Nhà nào chịu trả nợ, tối thiểu 50%, thì còn điện, không trả thì bị cắt.
Tiếp theo sau đó, nhiều phương án thu khác nhau cũng được triển khai nhưng đến cuối tháng 9-2006 xã đành bất lực vì không thu xong tiền nợ. Xã chuyển giao cho ngành điện cục nợ lên đến hơn 1,149 tỷ đồng.
Cuối cùng, ngành điện đưa ra một cách thu nợ mới “nhẹ nhàng” hơn đối với người dân là cứ mỗi tháng, đến ngày thu tiền điện, hộ dân phải đóng tiền điện hiện tại của tháng đó và trả kèm theo tiền của một tháng nợ cũ.
Cụ Nguyễn Văn Ninh, 85 tuổi cho biết: “Hai vợ chồng tôi vẫn còn nợ hơn 2 triệu tiền điện nữa. Thu nhập chỉ khoảng 380.000 đồng/tháng, gồm tiền trợ cấp người cao tuổi 180.000 đồng và khoảng 200.000 đồng tiền thu về từ cái quán bán đồ vặt. Cuộc sống đã khó khăn, nay lại thêm cái “khoản” điện đóm, thật khổ quá!”.
Anh Huỳnh Văn Phú, nhà bên cạnh cụ Ninh, cũng than thở: “Hàng tháng, người ta đến thu điện và tiền nợ khoảng ngày 17, nếu mình chưa xuay kịp tiền là bị cắt điện. Khi đã nộp đủ, có điện dùng thì phải nộp thêm 39.000 đồng tiền phí đóng – cắt điện nữa. Do hoàn cảnh cũng khó khăn nên từ đầu năm đến giờ, nhà tôi bị cắt điện 3 lần rồi”.
Ông Lê Xuân Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây nói: “Hiện nay UBND huyện Ninh Hòa và Công ty cổ phần điện lực Khánh Hòa đã bàn bạc với xã Ninh Tây và đưa ra phương án thu nợ tiền điện. Người dân không bị bắt buộc trả cùng một lúc hết số nợ mà sẽ đóng dần theo từng tháng. Toàn xã có hơn 1200 hộ dân thì vẫn còn 315 hộ nghèo, nay lại mùa nông nhàn nên cũng khó khăn”.
Ông Võ Thanh Dũng, Giám đốc Điện Lực Ninh Hòa cho hay: “Bây giờ nói đến đi thu tiền điện cũng là một “cực hình” đối với chúng tôi. Lý do là món nợ này tiềm ẩn từ nhiều năm cũng gây bức xúc cho người dân và khi đến thu cũng bị gây khó dễ. Nhưng theo chỉ đạo chung nên chúng tôi vẫn phải tiến hành thu tiền điện nợ. Đến nay, người dân xã Ninh Tây vẫn còn nợ ngành điện hơn 422 triệu đồng”.
Nguyễn Thành Chung (Dân Trí)